Em trai trở mặt từ ngày được thừa kế toàn bộ nhà, đất
'Mày đi học rồi thì sau này hai miếng đất ở quê là của hai em', lời của mẹ khiến tôi không còn đoái hoài đến tài sản thừa kế.
Tôi luôn giữ một quan điểm rằng tài sản của ông bà, cha mẹ thì cho ai đó là quyền của họ, con cháu không thể lấy cái danh con trưởng, cháu đích tôn để đòi quyền lợi hưởng thừa kế.
Bản thân tôi cũng là con trai cả trong gia đình, tôi cũng có con trai (là cháu đích tôn của ông bà). Nhưng tài sản mà cha mẹ tôi có là hai mảnh vườn ở quê lại để lại cho hai người em trai của tôi. Trong đó, một đứa em tôi không có con trai. Tuy nhiên, tôi chẳng hề suy nghĩ hay phản đối gì về quyết định đó của cha mẹ.
Khi tôi bước chân ra khỏi nhà để đi học xa, mẹ từng nói một câu: "Mày đi học rồi thì sau này hai miếng đất ở quê là của hai đứa em". Từ ngày đó, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến tài sản của cha mẹ có những gì và cho ai? Tôi chỉ biết lo làm ăn và kiếm tiền tự lo cho bản thân.
Sau này, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở quê, tôi vẫn còn tên trong hộ khẩu. Để làm thủ tục tặng đất cho đứa em trai kế tôi, mẹ đã gọi tôi về để ký tên trong hợp đồng cho tặng (vì đất ở quê là cấp cho đất hộ, nên về mặt pháp luật thì những người có tên trong hộ phải ký tên đồng thuận). Và tôi vẫn vui vẻ đồng ý làm theo ý muốn của mẹ mà chẳng một lời trách móc.
Cha mẹ tôi cũng có mảnh vườn ở quê, do già yếu nên không còn lao động được, chỉ giữ lại một phần nhỏ để làm, còn lại muốn giao hết cho em trai tôi. Tôi nói với cha mẹ nên lập di chúc, chứ sợ sau này có nhiều việc phát sinh không biết trước được. Sau đó cha mẹ tôi đã không lập di chúc mà sang tên luôn cho vợ chồng em trai tôi.
Từ ngày được cho đất, em trai tôi coi cha mẹ tôi như người ngoài. Tuy em chưa đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, nhưng sống như kiểu "người dưng". Cha mẹ ốm đau, em cũng không một lời hỏi thăm, nhờ làm gì một buổi cũng phải trả tiền công. Hiện nay, cha mẹ tôi đã già yếu, không có thu nhập gì nhiều. Chính bản thân tôi lại là người vẫn chu cấp cho cha mẹ đều đặn dù chẳng có phần thừa kế nào.
Tôi nói vậy không phải để chê trách gì cha mẹ vì đã không chia đất cho mình, mà tôi chỉ muốn các bạn hiểu một điều rằng, những gì không phải của mình thì đừng cố đòi hỏi, ngay cả khi cha mẹ, hay ông bà không để lại cho mình. Tôi thấy cái gì của mình làm ra mới là cái quý nhất, nên vẫn luôn nói với con mình rằng: "Của làm ra là của trong nhà, của ông bà là của ngoài sân, của phù vân sẽ bay đi mất".